Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Ai cũng có điểm mạnh để ta học hỏi

Tuần vừa rồi là một tuần làm việc cực kì căng thẳng trên công ty. Tôi đảm nhiệm 2 dự án: dự án chính là bI4S4i90n, 1 dự án phụ bên CoBoSu ^^. Không biết sao tuần vừa rồi cả 2 dự án lại dồn deadline liên tục. Bên CoBoSu là hỗ trợ làm 1 WS truy suất CSDL để trả về thông tin cho người khác dùng. Mà căng nhất là phải kể đến dự án bI4******. Dự án bắt đầu từ cuối năm 2013, tới nay cũng gần được 4-5 tháng. Việc phát triển chức năng rất là trơn tru, vì tôi may mắn được làm chung với những người giỏi, có đội giải pháp cứng tay nghề, có ông anh (tôi coi như một người thầy, nhưng cũng có lúc coi như 1 người bạn để tâm sự) dìu dắt tôi từ những bước đi đầu tiên vào dự án. Mọi thứ đều êm đẹp, cho đến tuần vừa qua. Sau khi dự án triển khai thử nghiệm ở VT, bên đội dự án mới họp bàn đánh giá lại kết quả với bên đối tác. Mọi chức năng của phần mềm đều ok (vì đã có nền móng trước đó rồi, nên cứ dựa vào đó mà làm). Tuy nhiên, về phần báo cáo số liệu (1 trong những phần quan trọng nhất của dự án, bởi vì những người quản lý đều phải nhìn vào những con số trong báo cáo để đưa ra những quyết định về định hướng kinh doanh) bị lệch giữa các báo cáo với nhau. Lỗi này phát sinh là do thiếu xót của PM (Project Manager - Quản lý Dự án), đã quên phân task để check sự đồng bộ số liệu giữa các báo cáo. Thế là khách hàng làm ầm lên, đòi không ký hợp đồng, làm anh em trong đội dự án toá hoả, vì trước đó ai cũng nghĩ là việc ký hợp đồng là sớm hay muộn thôi, vì các sếp lớn bên trên đã thống nhất là muốn làm phần mềm này.
Vậy là một tuần để rà soát lại tất cả các báo cáo bắt đầu. Rất nhiều vấn đề phát sinh, nhưng ở đây tôi không nói về vấn đề nghiệp vụ dự án, mà tôi nói về khả năng giải quyết vấn đề, đặt biệt là vai trò của người PM.
Trong một tổ dự án có nhiều thành phần. Thành phần giải pháp, là người đi tiếp xúc, gặp gỡ khách hàng để thu thập yêu cầu, về viết thành tài liệu để anh em trong đội dự án cùng thực hiện dựa trên tài liệu đó. Thành phần phát triển gồm 3 phần nhỏ, phần web để viết giao diện, xử lý luồng thao tác trên web, phần mobile để xây dựng các chức năng trên tablet, và phần core, chuyên lo về thiết kế và vận hành database (cơ sở dữ liệu). Thành phần kiểm thử, nhiệm vụ là kiểm tra lại những chức năng mà bên Phát triển đã thực hiện xong, nếu có lỗi phát sinh thì trả về cho bên phát triển sửa. Và người điều phối công việc trong tổ dự án chính là PM. Người sẽ lên kế hoạch, phân bổ nguồn lực để thực hiện.
Tổ dự án là nơi tập trung nhiều loại người, cá tính khác nhau hợp thành


Thực sự, lúc mới vào dự án, tôi như ếch ngồi đáy giếng, thực sự không nhận thức rõ vai trò của PM (vậy mà hồi xưa luôn mong ước thành PM dự án - thiệt nực cười thúi mũi :))). Nhưng đến khi có việc phát sinh, tôi mới học hỏi được nhiều thứ quan trọng từ anh PM trong đội dự án. Những đúc kết mà tôi nghĩ nên ghi lại, để sau này còn xem lại, nhớ lại, học hỏi và áp dụng vào thực tế nếu như muốn trở thành PM thực sự :
  • Khi có vấn đề phát sinh, việc những cái đầu nóng, những bất đồng quan điểm trong đội dự án cũng từ đó mà sinh ra. Người PM lúc này đã ở giữa phân xử công bằng, tránh tối đa trường hợp thành viên trong đội dự án cảm thấy bất mãn.
  • Lỗi phát sinh chính là do con người gây ra. Nhưng trong thời gian gấp gáp, việc quan trọng không phải chỉ trích, moi móc ra ai là người phải chịu trách nhiệm. PM chỉ cần hỏi ra nguyên nhân vì sao sai, và tập trung tìm phương án giải quyết. Anh em trong đội dự án, nếu ai làm sai, thì cũng tự biết mà sửa. Đặt trường hợp, PM làm căng chuyện, hay trách cứ người làm ra lỗi đó, thì tôi nghĩ lúc đó cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ tổ mất thời gian và làm không khí thêm căng thẳng hơn.
  • Khi chưa tìm ra nguyên nhân lỗi, mọi người thường nêu lên nhiều giả thuyết có thể gây hoang mang - mà thực sự là như vậy. Lúc này, PM thực sự rất có kinh nghiệm. Anh thường bắt đầu bằng câu "Dừng lại đã, bây giờ xác định chúng ta có X vấn đề cần giải quyết...", từ đó, anh định hướng mọi người cách sửa chữa.
  • Điều quan trọng hơn cả, PM cũng là 1 phần của đội dự án. Anh rất biết quan tâm đến những thay đổi, thái độ hay tâm trạng của các thành viên trong team. Điển hình nhất là ví dụ của tôi, hôm đó tôi có một ngày tồi tệ, bị "dí đít" của 2 bên dự án, nên tâm trạng không hài lòng, có cảm giác mình bị quá tải và ép tiến độ, rất áp lực. Nhưng anh PM đã pm hỏi tôi về vấn đề hiện tại của tôi đang gặp phải, và cùng nêu cách giải quyết. Chỉ hành động nhỏ đó thôi, nhưng ít ra tôi cảm thấy được quan tâm như những người anh em đang trên chung 1 con thuyền, và dĩ nhiên công việc ngày hôm đó của tôi tốt lên hẳn. Đó là cái hay thật sự của người làm PM.
PM giỏi là người biết giữ cân bằng và giải quyết mâu thuẫn trong công việc
Đối với bản thân tôi, 1 tuần vừa qua thật sự sóng gió kể từ khi đi làm. Có đêm tối về ngủ chẳng yên vì bug cứ đeo bám trong đầu tôi. Nhưng cty tôi có 1 câu châm ngôn mà tôi rất tâm đắc "Trưởng thành qua thách thức và thất bại". Chính nhờ tư tưởng dám chấp nhận thách thức để bản thân trưởng thành hơn, mà tôi đã vượt qua được 1 tuần đầy khó khăn và tự đúc kết cho mình vài điều:
  • Đôi khi công việc làm ta căng thẳng, nhưng những lúc như vậy cần hít một hơi thật sâu, hay uống vài chục ngụm nước để con người bình tĩnh lại, tránh làm ảnh hưởng những mối quan hệ xung quanh. Vì dẫu sao, công việc cũng chỉ là công việc, mọi người trong team cũng chỉ vì đồng lương, nhưng cái quan trọng là tình cảm, phải bỏ đi cái Tôi, chứ đừng làm rạng nứt những mối quan hệ
  • Chủ động nhiều hơn nữa với công việc. Cần bôn chen, để được học hỏi nhiều hơn, từ nghiệp vụ, đến kinh nghiệm sống của những người đi trước. Vì sống là không chờ đợi !
  • Càng nhiều thử thách, khó khăn, con người ta sẽ mau trưởng thành hơn. Luôn sẵn sàng tâm lý đón nhận những thử thách, khó khăn mới.
5s quảng cao: Blog này được soạn trên DocsToGo dành cho BlackBerry ^o^ (một trong những lý do làm cho BlackBerry trở nên tuyệt vời với tui).
http://wpmedia.o.canada.com/2013/06/cal0513blackberry_q10_26916803.jpg?w=660&h=330&crop=1
Thế giới trong lòng bàn tay :)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét